Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

PHƯƠNG PHÁP TU THÂN VÀ THUYẾT TAM LẬP

Thanh Tinh
(@thanh-tinh)
Thành Viên
Duc Thuong Sanh Cao Hoai Sang
 
Theo Kinh Dịch và Trung Dung thì Trời là Ðấng cao trọng nhứt, sinh ra quần linh vạn vật, biến hóa âm dương mà tạo thành võ trụ. Ðó là Ðấng hoàn hảo tột bực rất thiêng liêng, vô hình ảnh nhưng hành động không ngừng, tự diễn xuất bằng những hiện tượng, bành trướng rất sâu xa, huyền diệu, cao thâm, sáng suốt, nâng đỡ và chở che muôn loài vạn vật.
 
Thật không hiện mà rõ, không động mà biến hóa vô cùng, không làm mà nên việc. Nhờ đó bốn mùa thay đổi, muôn vật sanh sản, võ trụ trường tồn.
Ðấng hoàn hảo đó là Trời, là THƯỢNG ÐẾ. Ðức Khổng Tử nói rằng: Ðấng THƯỢNG ÐẾ ngự trị trong thâm tâm của mỗi người dưới hình thức lương tâm. Ðạo làm người là noi theo Trời tức là tâm linh đó, Tôn giáo là phương pháp thi hành Ðạo đó, tức là: Thiên mạng chi vị tính, xuất tính chi vị Ðạo, tu Ðạo chi vị Giáo.
 
Mục đích là tu thân, nghe theo tiếng của lương tâm, tiến tới hoàn thiện để kết hợp với Trời và giáo hóa người khác trở nên hoàn thiện như mình. Vì vậy việc tu thân rất cần thiết cho mỗi người sống trong xã hội.
 
Sách Ðại Học có nói: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhứt thị giai dĩ tu thân vi bản", nghĩa là từ bậc vua chúa cho đến thứ dân ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc.
 
Trong việc tu thân, sách Ðại Học vạch ra bốn công tác rõ rệt là: Chính tâm, thành ý, cách vật, trí tri. Muốn tự sửa mình trước phải giữ lòng dạ cho ngay thẳng, muốn giữ lòng dạ ngay thẳng trước phải luyện ý mình được thành thật, muốn cho ý mình thành thật, trước phải có kiến thức chu đáo và muốn có kiến thức chu đáo phải học và tìm biết suốt tới chỗ uyên thâm của sự vật. Khi đã trí tri và cách vật, khi đã có ý thành và tâm chánh tức là xúc tiến tới việc tu thân, Thân đã tu nhiên hậu mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Vậy, sự tu thân chẳng những là cần thiết cho đời mình mà còn rất quan hệ đến việc tấn hóa của quốc gia xã hội.
 
Hai chữ "Tu thân" không phải chỉ có một ý nghĩa tiêu cực là sửa trị nết xấu mà là bao hàm một chương trình rộng rải trau dồi tài đức. Tu thân cũng không phải chỉ có một quan niệm hoàn toàn về cá nhân, vì phép tắc đối với mình tức là "Xử kỷ" phải luôn luôn đi kèm với phép tắc đối với người và việc tức là "Tiếp vật". Muốn được hoàn hảo trong việc xử kỷ và tiếp vật, con người cần phải thực hành phép Tam lập, tức là Lập Ðức, Lập Công và Lập Ngôn.
 
- Sao gọi là Lập Ðức?
 
Thể theo triết học Nho giáo, Ðạo Trời có bốn đức là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, tức là bốn lý pháp mầu nhiệm làm cho cơ sinh hóa vạn vật được điều hòa và thành tựu với tất cả những tốt đẹp thuần túy thiên nhiên.
 
Ðạo người cũng có bốn đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí cũng có công dụng và đặc tính y như bốn đức Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của Ðấng Tạo Hóa.
 
. Ðức Nhân:
 
Bởi cái đức lớn của Trời là sự sinh, thì đạo làm người phải theo đạo Trời mà bồi dưỡng sự sinh. Cái đức làm cho ta yêu người, yêu vật, muốn cho vạn vật cát đắc kỳ sở, đó là đức Nhân vậy.
 
Cái lòng yêu đó biểu lộ tự nhiên theo tiếng gọi của lương tâm, không có miễn cưỡng chút nào mà cũng không do ai xúi giục.
 
Chữ Nhân đem ra ứng dụng vào đời sống thì nó gồm tất cả nghĩa vụ làm người, nên Thầy Mạnh Tử nói Nhân là đạo làm người vậy.
 
Thực hành chữ Nhân tức là áp dụng Thiên lý vào đời sống thật tế. Muốn làm điều Nhân, người ta phải giữ lòng ngay thẳng, chẳng cho tư dục xen vào tâm, để cho nguồn Thiên lý ở trong tâm ung dung phát triển rồi ta cứ theo tiếng nói thiêng liêng đó mà làm cho hết sức mình.
 
Theo tình cảm, trước hết ta phải thương những người thân cận như là cha, mẹ, anh, em và gia tộc, thứ nữa ta phải nới rộng tình thương tới cả nhơn loại, vì đức Nhân là tiêu chuẩn của lòng từ ái và tánh vị tha, không thể khép vào một chỗ chật hẹp được.
 
Thầy Mạnh Tử có quan niệm là lòng nhân ái ví như cái hoa của đời sống, sự sinh tồn thiết thực là tình thương tràn trề và sung mãn. Nếu lòng nhân ái không được nở nang đầy đủ thì nó như cái hoa héo trước khi nở.
 
Tóm lại người có lòng nhân phải trang nghiêm, phải có ý chí bền bỉ, không làm cho ai điều mình không muốn người làm cho mình, khiêm nhượng, khoan hồng, cần mẫn, quảng đại, thi ân huệ cho người, thương yêu mọi người và mong cải tạo xã hội.
 
Ngoài ra phải biết xét mình, biết so sánh mình với người, phải noi theo những phong tục tập quán tốt, những lễ nghi đương thời.
 
Xưa Ðức Khổng Tử vì khiêm tốn mà nói rằng: Ta đâu dám sánh với bực Thánh, bậc Nhân (Nhược Thánh dữ nhân tắc ngô khởi cảm).
 
. Ðức Nghĩa
 
Ðức nghĩa là cử chỉ tác động theo đạo lý, theo lòng nhân nâng cao giá trị con người. Giúp đỡ một người nghèo đói, cứu vớt một kẻ té sông, chia sớt thống khổ của người già cả tật bịnh, đó là làm điều nghĩa.
 
Con người ai cũng có cái tánh ưa điều nghĩa, song không làm được điều nghĩa là tại cái lợi làm hỏng vậy. Người quân tử vẫn chủ tâm lấy cái nghĩa làm trọng hơn cái lợi. Theo các bậc hiền triết Nho giáo, nếu biết khiến lòng háo nghĩa thắng được lòng dục lợi thì thành ra điều hay, mà để lòng dục lợi đè được lòng háo nghĩa thì thành ra điều dở. Và nghĩa thắng được lợi là đời trị, lợi đè được nghĩa là đời loạn. (Nghĩa thắng lợi giã vi trị thế, lợi khắc nghĩa giã vi loạn thế)
Cho nên Nho học khuyên: "Tiên nghĩa nhi hậu lợi" tức là phải làm việc nghĩa trước rồi sau sẽ cầu lợi, đó là điều chánh đáng vậy.
 
. Ðức Lễ:
 
Chữ Lễ chẳng phải chỉ dùng để nói về việc thờ phụng, cúng tế theo tôn giáo. Lễ cũng nói gồm cả những qui củ mà phong tục và tập quán của nhơn quần xã hội đã thừa nhận như Quan, Hôn, Tang, Tế v.v...Lễ cũng dùng để khiến sự hành vi của người ta cho có chừng mực và hợp với đạo lý, vì nếu không có Lễ thì mọi việc trên đời đều hỏng vì rối loạn.
 
Cho nên Ðức Khổng Tử dạy bảo Thầy Nhan Uyên rằng: Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm (Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động). Ngoài ra Lễ còn có hiệu lực định lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới cho phân minh. Trong xã hội có vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ, có người thân có kẻ sơ, có việc phải có việc trái, cho nên phải có lễ để phân biệt tôn ti, khiến người ta biết cư xử với nhau cho phải đạo, phân ra trật tự làm cho vạn vật không có điều chi hồ đồ hổn độn.
 
Lễ để ngừa sự loạn sinh ra cũng như bờ đê giữ cho nước không đến được. Người giàu sang biết lễ thì không bạo ngược, kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy. Bậc vua chúa biết lễ thì mới biết cách trị nước an dân.
 
Bởi vậy các đấng đế vương đời trước sở dĩ trị được thiên hạ là vì hiểu rõ thị dục của người ta, nên mới đặt ra lễ và nghĩa để phân biệt cái lợi, cái hại, để trị thất tình, là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục và sửa thập nghĩa là phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ để, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung, đem sự hòa thuận, chuộng sự nhân nhượng, bỏ sự tranh cướp.
Trên thế gian, con người chỉ biết được cái đã rồi, không biết được cái sắp có, lễ là để cản ngăn trước việc chưa xảy ra, pháp luật là để trị việc đã có rồi.
Bởi vậy, Thánh nhân trọng lễ, chớ không trọng hình.
 
. Ðức Trí:
 
Trí là một đức tính giúp chúng ta phân biệt điều lành lẽ dở, điều chánh lẽ tà.
Người trí luôn luôn theo đường đạo đức, tránh kẻ vạy tà, gần người lương thiện để nâng cao giá trị mình trên đường xử kỷ, tiếp vật.
 
Ðề cập tới cách luyện trí, Ðức Khổng Tử dạy ba điều:
 
1) Luyện trí bằng cách học hỏi người nay;
2) Bằng cách khảo cổ (học theo gương Thánh hiền thời xưa).
3) Bằng cách trầm tư mặc tưởng để định trí an thần, tầm cho ra chơn lý.
 
Nhờ có học hỏi con người mới được trí minh mẫn, thấy xa hiểu rộng. Trong sự học hỏi phải có chí thành, cương quyết không vì thấy khó mà bỏ dở nửa chừng.
 
Có điều mình chẳng học, nhưng đã học mà chẳng thành công thì không thối, có điều mình chẳng hỏi, nhưng hỏi mà không thông suốt thì không bao giờ chịu, có điều mình chẳng suy nghĩ, nhưng suy nghĩ mà không vỡ lẽ thì suy nghĩ mãi.
 
Có bền chí như vậy sự học mới có kết quả khả quan. Trí được sáng suốt, mình mới tự biết mình và biết người. Nếu làm người mà mình không tự biết mình thì thật lấy làm thương hại! Biết người biết ta tức là bậc trí giả, không khi nào thất bại trên đường đời cũng như đường đạo.
 
Thầy Mạnh Tử nói: "Cái kết quả chánh đại của đức Trí là sự thực hành rất kiên cố đức Nhân và đức Nghĩa". Vì vậy đức Trí và lòng Nhơn ái là hai kho quí báu của người hoàn thiện, là hai đức tính không rời nhau, vì không thể có cái nầy mà không có cái kia.
 
Tóm lại, biết được tác dụng của bốn đức căn bản của đạo người rồi, chúng ta theo đó mà tập luyện cho hết sức mình, làm cho nhập tâm hầu áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình.
 
Nho giáo cho rằng người quân tử cần hợp đủ những đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Người nào còn thiếu kém về việc thực hành một điều nầy hay một điều khác trong bốn đức tính căn bản đó thì không xứng đáng là người học Ðạo và biết Ðạo.
 
- Lập Công:
 
Là một phương pháp cần thiết trong việc tu kỷ, xử thế của con người. Phép lập công gồm có hai mặt là: Sức khỏe đầy đủ và tinh thần cứng rắn, để nghị lực điều khiển nhục thân tuân hành mạng lịnh của trí não. Muốn kiện toàn sức khỏe, phải giữ vệ sinh thân mình, phải ăn uống có điều độ, tránh xa tửu sắc làm cho thân thể con người phải tiều tụy. Phải tận lực đánh đổ tật biếng nhác. Làm việc hằng ngày phải siêng năng nhậm lẹ; việc nào đã làm phải làm hết sức chu đáo. Ở tại gia đình phải gắng sức lập công thì gia đình mới khỏi thiếu thốn, túc thực túc y, con cái được bảo dưỡng đầy đủ. Ra gánh vác việc xã hội, tùy theo địa vị, phải ráng lập công cho đúng với nhiệm vụ mình đã nhận lãnh, hoặc y theo lời cam kết của mình. Chẳng nên thấy sự khó khăn mà bỏ dở nửa chừng, hoặc ham lợi nhiều mà làm việc cẩu thả, khiến công chuyện bất thành rồi đổ thừa cho điều nầy lẽ nọ. Làm như vậy thì thất tín với mình, thất tín với thiên hạ, không còn ai dám tin dùng mình nữa và cả đời mình phải gánh chịu hậu quả, không trông gì nên sự nghiệp được.
 
Khi nhập vào cửa Ðạo, quyết tu hành, phụng sự cho Ðạo và cho chúng sanh thì sự lập công là đầu mối việc. Phải lập công rồi mới hưởng quả, nên gọi là công quả.
 
Công quả trong cửa Ðạo chia ra hai phần là: Công quả nội và Công quả ngoại.
 
Công quả nội:
 
Là phương pháp làm cho mình sáng suốt, hiểu thông rành mạch đạo lý, không còn chỗ nào ngờ vực hầu trau giồi tâm tánh để trở nên người đạo đức hoàn toàn. Phải để công phu học hỏi rồi phải thực hành tức là áp dụng điều hiểu biết vào đời sống tinh thần, dìu đường cho kẻ khác cũng trở nên sáng suốt như mình. Ðó là tự giác nhi giác tha.
 
Công quả ngoại:
 
Là phụng sự cho Ðạo và cho chúng sanh tức là tùy theo địa vị và khả năng của mình, ra công xây dựng cho Ðạo và giúp ích cho người Ðạo cũng như người Ðời, làm cho ai cũng được hưởng cái công quả như mình. Sự sanh hoạt trong cửa Ðạo cũng chẳng khác chi sự sanh hoạt ngoài mặt đời: Kẻ rành về nghề nầy, người chuyên môn về việc khác. Có nghề đòi hỏi sự lao lực, có việc cần nơi sự lao tâm. Lập công quả bằng sự lao tâm hay lao lực đều có giá trị như nhau và đều hướng về chủ đích phụng sự cho Ðạo và cho chúng sanh. Trong cửa Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, người tu sĩ nhờ nơi công quả mà lập vị xứng đáng cho mình và hưởng ân huệ thiêng liêng ngày chung cuộc.
 
- Lập Ngôn:
 
Là trau chuốt lời nói được thanh nhã, chơn thật, hiền lành, tỏ ra mình là người có học hay có thấm nhuần đạo đức. Muốn thực hành phép lập ngôn, chúng ta phải làm chủ khẩu khí, phải suy nghĩ kỹ trước khi thốt lời thì lời nói mới đoan trang, có mực thước. Vả lại người ta thường do lời nói để tìm biết tâm chí và trình độ tấn hóa của mình; chúng ta nên cẩn thận, vì một lời thốt ra rồi khó lấy lại được.
 
Về mặt Ðạo, lời nói chẳng lành, bất công hoặc có ác ý, làm cho mình mang nghiệp quả (Karma). Nghiệp quả đó gọi là khẩu nghiệp, dầu là lời nói suông cũng đồng tội như mình có làm việc quấy. Ðức CHÍ TÔN có dạy rằng: "Các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh. Thà các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con chỉ nói mà phải mang trọng hình đồng thể".
 
Vậy người tu sĩ cần áp dụng triệt để những điều răn cấm sau đây:
 
- Cấm vọng ngữ tức là nói dối;
 
- Cấm lưỡng thiệt, tức là đem chuyện người nầy thuật lại với kẻ nọ làm cho hai bên xích mích nhau;
 
- Cấm ác khẩu, tức là lời nói hung dữ;
 
- Cấm ý ngữ tức dùng lời xảo trá để gạt gẩm người sa vào tội lỗi.
 
Ðức Khổng Tử có nói: "Ðạo thính nhi đồ thuyết đức chi khí dã", nghĩa là nghe chuyện đầu đường nói lại ở cuối đường là tự bỏ cái đức tốt của mình vậy.
Trong xã hội, người ta vì lời nói mà sanh ra việc bất bình, có khi gây ra thù oán có thể đánh giết nhau.
 
Trong gia đình, vì lời nói mà có khi cang thường tan vỡ, cốt nhục chia lìa.
Trong việc trị nước, các vị vua chúa thời xưa thường nghe lời sàm tấu của đám nịnh thần mà quốc gia phải khuynh nguy, cơ đồ nghiêng ngửa. Vì đó có câu: Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang. Lời nói có tầm quan trọng như thế, người đời cũng như kẻ tu sĩ nên cẩn hạnh cẩn ngôn cho lắm.
 
Nói tóm lại, người quyết chí tu thân, nếu thực hành được phép Tam lập là Lập Ðức, Lập Công và Lập Ngôn thì sẽ trở nên hoàn thiện và đáng là một bậc đại hiền trong thiên hạ vậy./.
 
CAO THƯỢNG SANH
 
Chủ đề này đã được sửa đổi2 years Trước đây 2 lần bởiThanh Tinh
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 10/01/2022 2:25 am
Chia sẻ: