Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

TÍN HỮU CAO ĐÀI "LẠI CÃI NHAU"!

... từ Facebook
(@tu-facebook)
Thành Viên
Có thể là hình ảnh về bầu trời
 
 
Từ "phá pháp"...
 
Chuyện kể rằng có một tu sĩ đến đến hỏi Phật:
 
- Bạch Thế Tôn, tại sao ngoại đạo có 62 "kiến chấp", họ thường chấp đại loại như: "thế giới thường còn- thế giới vô thường; thế giới hữu biên- thế giới vô biên; thân này thường có- thân này không thật có; hay giả như niết bàn còn có- niết bàn không có;.. vân ... vân ...?
 
Phật đáp:
 
- Do có "thân kiến" (chấp thân) nên phát sinh "kiến chấp" như thế. Vậy ông có biết thân kiến là gì không?
 
Vị tu sĩ thưa:
 
- Do chấp "sắc uẩn" là Ta, là của Ta;
"thọ uẩn" là Ta, là của Ta;
"tưởng uẩn" là Ta, là của Ta;
"hành uẩn" là Ta, là của Ta;
"thức uẩn" là Ta, là của Ta.
... ngủ uẩn đó là "thân kiến" vậy.
 
Thật vậy, do có cái nhìn vị kỷ (kiến chấp) mà tạo ra những "ngã chấp", tức chấp vào sắc-thọ- tưởng- hành- thức là Ta, "là của Ta" nên mới ra cớ sự, từ đó mà sanh sanh hóa hóa ra muôn vàn các lý giải, thoảng qua thì hay ho- hợp lý nhưng xét kỹ mục đích tiến hóa lại là "cả một cái TA ấn trước mặt", thì làm sao mà đắc pháp- đạt đạo đặng. Nếu thấy đặng thân ngủ uẩn này là "giả hợp" thì các pháp dẫu đúng- dẫu sai vẫn là các pháp "giả hợp", giả hợp để đạt đến chánh đẳng chánh giác, tiêu trừ nghiệp chướng, bắt đầu cho con đường "trở về" với cõi sáng; trở về với Đại Ngã Hư Không, hội hợp cùng Thầy Mẹ thiêng liêng của chúng ta trên thiêng liêng vậy.
 
Có lần đến thăm vị Đạo Hữu già, sau một hồi thăm hỏi đàm đạo, vị ấy hỏi tôi:
 
- Này con, hồi giờ cúng thời tý- thời ngọ, Cô rót rượu 3 phân, 3 ly hợp nhất thành 9 phân (3x3) biểu tượng trưng cho " tam ngôi" hiệp nhất - biến hóa vận hành suốt thông cả Càn khôn vũ trụ. Tam ngôi nhất thể (3x3) thì dẫu Phật giáo (ngôi phật- ngôi pháp- ngôi tăng); dẫu Lão giáo (ngôi Thái cực- Lưỡng nghi - Tứ tượng) hay Kitô giáo (ngôi Đức Chúa Cha- Chúa Con - Chúa Thánh thần), hoặc giả là vạn hữu chúng sanh (ngôi vật chất- khí thể- năng lực) cũng đều chung "một bản thể" là duy nhất, là Một, là Thượng Đế, là Chúa của Càn Khôn vũ trụ.
 
Vậy sao bây giờ đổi thành rốt 8 phân vậy con? Ý nghĩa ra làm sao?
 
Tôi nghe mà hoa cả mắt- bùng cả tai, lúng ta- lúng túng chẳng biết trả lời sao. Bởi xét cho cùng, trước câu hỏi này là một dẫn chứng phải nói là "quá uyên bác" của một vị đạo hữu thâm niên, đúng sai chờ Hội Thánh giảng giải lý đạo, nhưng rõ ràng chức sắc- chức việc hiện nay đang lâm vào cuộc tranh cãi " ba phân - tám phân" không có hồi kết. Ai cũng có cái lý riêng của mình và tất nhiên phần thắng đang thuộc về "phía có thực quyền", phía khoác trên mình "nhiều lớp áo nhất" (nhiều cái ta nhất), dẫu cho các lý giải có phần sáo rỗng- cưỡng cầu đoạt lý nhất, ... "chấp kiến" vẫn an ngôi- tại vị.
 
Có thể là hình ảnh về văn bản
 
... đến phá chấp
 
Biết tôi từng sinh hoạt đạo, gần gũi bàn trị sự, vị đạo hữu ấy vẫn muốn biết câu trả lời của tôi nên tiếp tục truy vấn, tôi đành cười vội và hỏi lại:
 
- ... thế, theo Cô rót rượu cúng 3 phân và rót rượu 8 phân, cái nào làm cho Tâm của Cô "an lạc" hơn?
 
- Đương nhiên, 3 phân an lạc hơn rồi?
 
Tôi nhanh nhảo:
 
- Thế thì Cô không cần phải tìm hiểu "tại sao đổi thành 8 phân chi nữa". Bởi xét cho cùng, cúng- kiến cốt là rèn tâm- sửa nết, "tâm đã an- nết đã tịnh" thì đã đắc pháp đạt đạo rồi, Cô không cần thay đổi, không khéo lại loạn tâm loạn tánh, vô tình "vướng khảo" mà chậm quá trình tỉnh thức.
 
Chuyện kể rằng có một Bà Lão đơn thân, sau khi trải qua các bi kịch của cuộc sống, cả cha mẹ- chồng con đều qua đời, Bà cố công tìm học các phương "pháp" để tâm hồn mình được bình yên. Lành thay, có Vị hiền triết dạy cho Bà câu thần chú " Án Ma Ni Bát Di Hồng" (Om Mani Padme Hum) của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Tội nghiệp Bà Lão, vì không biết chữ nên phải đọc thầm trên suốt đoạn đường dài về nhà, đọc sao hỏng biết mà "chạy chữ", câu chú được Bà đọc thành " Án Ma Ni Bát Di Sanh". Thế là trong suốt hơn 30 năm, mỗi lúc rảnh rỗi Bà đến bên 2 cái chén, một chén để đầy đậu nành, một chén kia để trống... cứ mỗi một niệm Bà lấy một hat đậu để qua chén trống và ngược lại. Ban đầu thì chẳng có gì khác thường, nhưng càng về sau, mỗi khi Bà niệm câu thần chú ấy, các hạt đậu lần lượt "tự nhảy qua", không đợi tay của Bà bốc qua nữa. Bà vô cùng sung sướng và tụng niệm càng hăng say hơn nữa.
Mỗi lần chú niệm như vậy, vầng hào quang rực rỡ của Bà Lão cuối cùng cũng bị phát hiện ra bởi vị Cao tăng ẩn tu trên núi. Ông bèn mò đến và thất vọng vô cùng khi biết trong nhà này ngoài Bà lão, chẳng có vị "chân tu nào" đắc đạo nào. Ngược lại, còn chứng kiến một Bà Lão đơn thân- chậm chạp và "niệm nhầm" câu thần chú nữa. Vị Cao tăng ấy thất vọng ra về, trước khi đi Ông còn thở dài bảo:
 
- "Bà Lão ơi, Bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát âm là : "Án Ma Ni Bát Di Hồng" mới đúng."
 
Đến lúc này, Bà Lão sực nhớ và nhận ra mình đọc sai câu thần chú này đến tận 30 năm nay. Bà cảm ơn sự cải chính của nhà sư, bắt đầu niệm lại câu thần chú cho đúng. Thế là, tâm tư của Bà bắt đầu xuất hiện sự hỗn độn của 30 năm, của đúng đúng- của sai sai. Tức nhiên, khi sự hỗn độn đó hiện hữu thì những "hạt đậu hứng khởi" ngày nào không nhảy qua- nhảy lại theo câu chú nữa. Bà Lão ưu uất hờn dỗi chính mình, càng đau buồn bà càng tiếc cho "hơn 30 năm tu luyện" của mình, giờ như bọt biển mây bay.
 
Nói về vị Cao Tăng hồi nãy, thất vọng về tới nhà vẫn còn nối tiếc. Ông ngoảnh mặt lại về hướng nhà Bà lão thì "ánh hào quang" không còn nữa. Thay vào đó là "đám khối đen" u uất buồn bã. Ông ta giật mình- tỉnh giác và vội vã "chạy thụt mạng" đến túp lều của Bà Lão, vừa thở vừa nói:
 
- " Bà Lão ơi, Bà Lão ơi! Ta chỉ đùa với Bà thôi. Câu thần chú của Bà mới thật là đúng. Bà tụng y như cũ bà nhé!"
 
Bà Lão sực vui- lạc an và phấn khích trở lại, đa tạ nhà sư, trở vô nhà tụng niệm như cũ. Và tức nhiên,những hạt đậu tự động nhảy sang chén bên cạnh với mỗi một niệm " Án Ma Ni Bát Di Sanh", vốn dĩ không phải là câu "chú" mà kỳ thực nó lại có "thần" thông!  (thần chú)
 
Sắc tức thị Không- Không tức thị Sắc! nhờ có "sắc" tướng của các pháp mà người tu đạt được lý diệu "không" của Chơn tánh, không vướng -không chấp vào sắc pháp mới được Tâm Bát Nhã, tiến tới Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các Tôn giáo đều cùng chung một Lý duy nhất đó. Tuy khác nhau về phương pháp tu tiến nhưng thỉ chung "các pháp" đều hướng "sự sống vĩnh hằng" của nhân sinh đến tầm cao tỉnh thức, sống đời đời nơi Cực lạc Quốc; hay Thiên đàn; hay nước Trời gì gì đó... Thế mà hại thay, phàm gian lại vướng mắc vào "lớp áo tôn giáo", vướng vào "cái Ta vị kỷ" mà "chia tâm- sẻ tánh" thành ra những trường "loạn pháp" đúng đúng sai sai- cao cao thấp thấp. Tranh luận, tranh luận và tranh luận .... để rồi chẳng Ai còn thời gian để trải nghiệm các pháp ấy giúp mình được tỉnh thức - được lạc an nhờ thường hành các pháp ấy !!!
 
Tới ngày nay, để chung nhất các pháp nói chung, Bộ Nghi lễ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (gọi tắt là pháp đạo-Cao Đài) đích thân Thượng Đế "cầm tay chỉ việc", tùy từng Đàn Cơ mà có bài chỉ dạy, tức nhiên kiến thức của Các Vị tiền bối thời bấy giờ "không đồng đều nhau" nên sự học hiểu và sự thường hành có phần khác nhau. Vì vậy, một lần nữa Trời trêu lòng Người, chúng ta đi vào "vết xe đổ" của các tôn giáo: "không trải nghiệm mà tiếp tục phấn xét- tiếp tục tranh luận"
 
Không có mô tả ảnh.
 
. Từ khi khai đạo đến nay, hơn 90 năm lẻ, chúng ta chưa ngộ ra- chưa thống nhất đặng Các Nghi tiết siêu rỗi ấy. Có nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do chính yếu nhất là "chưa ai thật sự trải nghiệm các nghi lễ- các pháp đạo đến khi nhận chân ra các "lý diệu không" chất chứa trong từng thể pháp đó; và cũng chưa Ai đắc pháp đạt đạo từ các nghi lễ ấy". Phải khẳng định như thế, để chúng ta chánh niệm trong những cuộc tranh luận, phải minh định "rằng đúng- rằng sai" ấy giúp ích gì cho sự tỉnh thức của chính mình; nó có phục vụ cho tình yêu thương hay không; có làm vui lòng hai đấng Phụ Mẫu vạn linh hay không?
 
Lúc mới đi học, tôi còn nhớ Thầy kêu mang theo các thanh que khi học môn Toán cộng, hễ thầy nói 2+3 thì dưới này một tay lấy 2 thanh, một tay lấy 3 thanh, nhập chung lại điếm ra 5 thanh. Thế là la lên kết quả là "5 nha thầy!". Ừ thì 2+3 =5. Hành động này lập đi lập lại đến bây giờ tiềm thức của tôi ghi nhớ đến nỗi "không cần những thanh que" nữa, bất cứ khi nào Bạn hỏi tôi 2 + 3 bằng mấy? tôi hứa chắc với bạn là tôi trả lời "ngay và luôn chính xác nhé. Đám thề luôn á! >>> Vạn Pháp cũng vậy thôi, chẳng qua nó cũng chỉ là các phương pháp để đưa chúng ta đến "tâm an tánh lạc" mà thôi. Tranh luận cũng là một pháp học hỏi, thấy biết và chánh niệm mục đích, đừng chấp vào đó mà "loạn tâm loạn tánh" thì không nên. Do đó, không cần đến các thanh que (phá pháp) mà biết đặng kết quả bài toán đã là đạt pháp rồi, chấp vào chi "những thanh que" ấy mà chậm đưa ra kết quả (phá chấp). Và câu chuyện của Bà Lão, của Vị Đạo hữu già là một trong trải nghiệm rõ ràng, minh định "các pháp do tâm" đủ duyên phát khởi, sanh hóa nhiệm mầu, đắc đạo cùng chăng cũng bấy nhiêu đó thôi.
 
Gần đây cộng đồng tín hữu Cao Đài chúng ta xôn xao những vụ như bắt Ấn Tý, như rót rượu ba phân tám phân, hay các tiểu tiết Nghi Lễ ... mà sanh ra bất hòa- loạn động. Đó là cơ khảo thí mà mỗi chúng ta cần quán tâm "xem xét" lại đức hạnh của chính mình. Rốt cuộc mình đúng thì đặng bao nhiêu phần "bất an"? Rồi mình sai, mình nhận bấy nhiêu phần "an lạc"?
 
Chúc cả nhà vui khỏe, thường lạc đạo, sớm tỉnh thức vượt qua dịch bệnh, chiến tranh ... nhằm hướng tâm về sự phúc lạc của Thượng Đế hằng mong. Thơ rằng:
 
Tinh thần đầy xác mới tinh- anh,
Đừng vướng nẻo "công" với mối "danh".
Thường hứng gió Đông tua biết gió,
Đừng trương cánh Nhạn... bị tan tành.
 
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
 
Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và văn bản
 
Nguồn: Cao Đài - Sự nghiệp và Tình yêu
 
(Từ Facebook Phạm Tấn Phát)
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 07/06/2022 12:31 am
Chia sẻ: